Kinh tế Tây_Hạ

Kinh tế Tây Hạ lấy súc mục nghiệp làm cơ sở, lấy , cừu, ngựalạc đà làm chính. Nông sản phẩm chủ yếu là đại mạch, gạo, đậu tất, thanh khoa (lúa mạch núi). Nguyên liệu thuốc và một số chế phẩm thủ công của Tây Hạ đặc biệt nổi tiếng. Tại Tây Hạ, các ngành thủ công nghiệp như luyện kim, làm muối, nung gạch, gốm sứ, xe sợi dệt vải, làm giấy, in ấn, nấu rượu, chế tác đồ vàng bạc hay gỗ đều có quy mô và trình độ nhất định. Sau Khánh Lịch hòa nghị năm 1044, triều đình Tống lập ra 'các trường', khôi phục quan hệ dịch giữa Tống và Hạ, sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp mậu dịch của Tây Hạ phát triển nhanh chóng. Thời Hạ Sùng Tông và Hạ Nhân Tông, kinh tế Tây Hạ phát triển mạnh, vật phẩm tứ phương được đưa đến thủ đô Hưng Khánh, là thời kỳ kinh tế Tây Hạ thịnh vượng nhất.[7]

Nông nghiệp

Bích họa miêu tả cảnh cày bằng bò, hang số 3 của quần thể hang Du Lâm.

Người Đảng Hạng là dân tộc du mục, nông nghiệp của họ phát triển chậm hơn so với súc mục nghiệp, nông-mục đều được xem trọng là điểm đặc sắc trong kinh tế xã hội Tây Hạ. Thời Lý Kế Thiên, người Đảng Hạng liên tiếp chiếm lĩnh các khu vực ở Hà Sáo và Hà Tây tẩu lang, là những nơi thuận lợi cho việc sản xuất ngũ cốc. Trong đó, khu vực Hưng Khánh-Linh châu và khu vực Hoành Sơn là vùng sản xuất lương thực chủ yếu của Tây Hạ,[32] sản lượng lương thực ở đó còn có thể dùng để cứu tế các cư dân chịu ảnh hưởng của thiên tai,[33] lương thực ở khu vực Hoành Sơn đương thời thường được sử dụng để nuôi quân Tây Hạ đánh Tống. Nông sản phẩm chủ yếu của Tây Hạ là đại mạch, gạo, đậu tất, thanh khoa (lúa mạch núi),[34] Dược tài khá nổi tiếng của Tây Hạ có đại hoàng, củ kỷ, cam thảo, nằm trong số các mặt hàng mà các thương nhân gắng sức mua lấy. Ngoài ra Tây Hạ còn có các dược tài như xạ tề, linh giác, sài hồ, thung dung, hồng hoa hay sáp ong. Người Đảng Hạng học tập các kỹ thuật canh tác tương đối tiên tiến của người Hán, sử dụng phổ biến nông cụ làm bằng sắt và dùng bò để cày.[7] Lãnh thổ Tây Hạ phần nhiều là sa mạc, tài nguyên nước khan hiếm, do vậy triều đại này rất xem trọng việc xây dựng công trình thủy lợi. Kênh lạch thời Tây Hạ chủ yếu phân bổ tại Hưng châu và Linh châu, trong đó nổi danh nhất là Hán Nguyên cừ và Đường Lai cừ ở Hưng châu. Thời Hạ Cảnh Tông, triều đình Tây Hạ cho xây dựng kênh tưới nước từ Thanh Đồng Hạp đến Bình La hiện nay, thế gian gọi là "Hạ Vương cừ" hay "Lý Vương cừ".[35] Tại khu vực Cam châu, Lương châu, người Tây Hạ lợi dụng nước tuyết tan từ Kỳ Liên Sơn, nạo vét và đào sâu thêm các sông lạch, dẫn nước tưới cho ruộng đồng, trong số các tài nguyên nước này thì Hắc Thủy tại Cam châu là được biết đến nhất. Vùng núi Hoành Sơn có các tài nguyên nước như Vô Định Hà, Bạch Mã Xuyên. Trong pháp điển "Thiên Thịnh cải cựu tân định luật lệnh" thời Hạ Cảnh Tông, triều đình Tây Hạ khuyến khích người dân khai khẩn đất hoang, đồng thời quy định về các vấn đề thủy lợi.[36]

Súc mục nghiệp Tây Hạ rất phát triển,[37] triều đình Tây Hạ còn đặt ra 'quần mục ty' để chuyên quản lý. Các khu chăn nuôi phân bố tại khu vực phía bắc của Hoành Sơn và Hà Tây tẩu lang, trọng yếu là ở Hạ châu, Tuy châu, Ngân châu, Diêm châu và Hựu châu, ngoài ra cao nguyên Ngạc Nhĩ Đa Tư, thảo nguyên A Lạp Thiện và Ngạch Tể Nạp cùng thảo nguyên Hà Tây tẩu lang đều là các khu chăn nuôi thuận lợi. Vật nuôi chủ yếu là bò, cừu, ngựa, và lạc đà, ngoài ra cũng có lừa, la hay lợn. Ngựa ở Tây Hạ dùng cho mục đích quân sự và sản xuất, đồng thời cũng là thương phẩm và cống phẩm trọng điểm đối với bên ngoài, khiến "ngựa Đảng Hạng" có được danh tiếng. Lạc đà chủ yếu được nuôi ở khu vực A Lạp Thiện và Ngạch Tể Nạp, chúng là công cụ vận chuyển trọng yếu ở khu vực cao nguyên và sa mạc. Trong từ thư Tây Hạ "Văn hải" có ghi chép nghiên cứu tỉ mỉ về chăn nuôi gia súc, ghi chép rõ ràng về việc cho ăn, bệnh tật, sinh sản và giống, cho thấy rằng người Tây Hạ có kinh nghiệm rất phong phú đối với chăn nuôi gia súc.[38] Ngoài chăn nuôi gia súc ra, nghề săn bắn cũng rất phát triển, đối tượng săn chủ yếu là chim ưng, cáo, chó, ngựa. Quy mô săn bắn không nhỏ, như trong cống phẩm dâng cho Liêu có 1000 bộ da cáo thảo nguyên.[39] Nghề săn bắn vào trung hậu kỳ Tây Hạ vẫn còn hưng thịnh, được đại thần Tây Hạ xem trọng,[40] quân đội Tây Hạ thường dùng việc săn bắn để huấn luyện hay diễn tập quân sự.

Thủ công nghiệp

Đồ gốm hình Ca Lăng Tần Già của Tây Hạ

Thủ công nghiệp Tây Hạ phân thành hai loại là quan doanh và dân doanh, trong đó quan doanh là chính. Mục đích sản xuất chủ yếu là để cung cấp cho quý tộc Tây Hạ sử dụng, kế đến là sản xuất để bán ra bên ngoài. Các ngành thủ công nghiệp tương đối toàn diện, trong pháp điển "Thiên Thịnh cải cựu tân định luật lệnh- Ty tự hành văn môn" có phân loại chi tiết.[41] Các ngành thủ công nghiệp chính là xe sợi dệt vải, luyện kim, chế tác đồ bằng vàng bạc hay gỗ, làm muối, nấu rượu, gốm sứ, xây dựng, nung gạch, chế tạo binh khí cũng khá phát triển.[42]

"Thanh diêm" là thương phẩm được cư dân ở biên giới Tống-Hạ ưa chuộng, cũng là một trong các tài nguyên trọng yếu của Tây Hạ. Khu vực sản xuất chủ yếu là các giếng muối Ô Trì, Bạch Trì, Ngõa Trì và Tế Hạng Trì ở Diêm châu (nay ở bắc Diêm Trì, Ninh Hạ), hay là Ôn Tuyền Trì ở Linh châu (nay ở Ngô Trung, Ninh Hạ). Thanh diêm sản xuất ở Tây Hạ có vị ngon giá thấp, được hoan nghênh hơn so với muối từ Giải Trì ở Hà Đông (tức tỉnh Sơn Tây ngày nay) của Tống, ngoài ra ở Kiềm Ôi Xuyên tại Tây An châu (nay ở tây Hải Nguyên, Ninh Hạ) còn sản xuất bạch diêm, hồng diêm, chất lượng chỉ kém thanh diêm. Thanh diêm và bạch diêm sản xuất tại Tây Hạ ngoài việc dùng để cung cấp cho nhân dân trong nước, chủ yếu dùng để mậu dịch theo đường chính phủ với Liêu, Tống và Kim, trong đó hầu hết là vận chuyển đến Quan Trung của Tống và dùng nó để đổi lấy một lượng lớn lương thực. Do vậy, triều đình Tống từng cấm chỉ thanh diêm của Tây Hạ qua cửa khẩu, người Tống từ đó chỉ có thể nhập lậu và kiếm được lợi nhuận lớn.[43]

Thảm len của Tây Hạ là một thương phẩm xuất khẩu quý hiếm, Livre des merveilles du monde ghi theo lời Marco Polo nhận xét loại len trắng làm từ lông lạc đà trắng ở khu vực Tây Hạ là tốt nhất thế giới.[7] Tây Hạ có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, do vậy nghề chế tạo binh khí của triều đại này, như áo giáp rèn nguội khiến cả "thần tí cung", "toàn phong pháo", "kính nỗ" cũng không thể bắn xuyên qua, đều được thế nhân khen ngợi; đặc biệt là "Hạ quốc kiếm" sắc nhọn đến mức đương thời không thứ nào bì được, được người Tống quý trọng.[7]

Người Tây Hạ tiếp thu văn hóa Hán đồng thời duy trì văn hóa của mình, dùng hai loại văn tự Hán và Tây Hạ trong việc khắc in sách. Nhằm phát triển nghề in ấn, triều đình Tây Hạ còn đặt ra "Khắc tự ty" để chuyên quản việc xuất bản, ngoài ra tư nhân và học hiệu ở Tây Hạ cũng có khả năng in khắc sách. Chủng loại sách được khắc in thì có nhiều, như kinh Phật, kinh điển Hán học, văn học thi ca, âm vận, bói toán bùa chú, y học, kỹ thuật, trong đó kinh Phật có số lượng nhiều nhất. Năm 1189, Hạ Nhân Tông cho phát tán 10 vạn quyển "quan Di Lặc thượng thăng đâu suất thiên kinh" bằng chữ Tây Hạ và Hán, 5 vạn quyển "Kim cương Phổ Hiền hành tụng kinh" cùng "Quan Âm kinh" và các đầu sách khác bằng chữ Hán.[42]

Tây Hạ vốn không có đồ sứ, số đồ họ có được chủ yếu là cướp đoạt từ người Tống. Sau Khánh Lịch hòa nghị năm 1044, Tây Hạ học được kỹ thuật làm đồ sứ của người Hán. Đến thời Hạ Nghị Tông, Tây Hạ bắt đầu phát triển nghề làm đồ sứ, chủ yếu lấy Hưng Khánh phủ làm trung tâm sản xuất. Từ những hiện vật khảo cổ khai quật được, có thể thấy đồ sứ được nung của Tây Hạ chủ yếu là bát sứ trắng, mâm sứ trắng. Kỹ thuật của đồ sứ Tây Hạ không bằng được sứ Tống, song đơn giản trang trọng, hình thành một phong cách độc đáo.[42]

Thương nghiệp và tiền tệ

Lãnh thổ Tây Hạ bao trùm Hà Tây tẩu lang- nơi con đường tơ lụa đi qua, lại thêm việc trong nước chỉ sản xuất được nhiều gia súc, còn lại thì có nhu cầu lớn về lương thực, trà và một bộ phận sản phẩm thủ công, do vậy mậu dịch đối ngoại là một trong những huyết mạch của kinh tế Tây Hạ, chủ yếu phân thành mậu dịch triều cống, mậu dịch "các trường", chợ ngầm. Các thành thị thương nghiệp quốc nội của Tây Hạ rất phồn vinh, Hưng Khánh, Lương châu, Cam châu, Hắc Thủy thành đều rất hưng thịnh.[44] Thương phẩm chính là thực phẩm, vải, lụa, vật nuôi, thịt.[45] Tây Hạ có thể sử dụng việc khống chế Hà Tây tẩu lang để quản lý mậu dịch qua lại giữa Tây VựcTrung Nguyên, bản thân Tây Hạ có mậu dịch thương mại thường xuyên với Bắc Tống, Liêu, Kim, Tây Châu Hồi Cốt và các bộ Thổ Phồn. Do Tây Hạ lũng đoạn quá độ Hà Tây tẩu lang, khiến một bộ phận thương nhân Tây Vực chuyển sang đi băng qua bồn địa Sài Đạt Mộc, qua Thiện châu (nay thuộc Thanh Hải, Tây Ninh) và men theo sông Hoàng Thủy mà sang Tần châu (nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc) của Tống, sử gọi là 'con đường Thổ Dục Hồn'.[45]

Đối với triều đình Trung Nguyên và Liêu, Tây Hạ lựa chọn hình thức mậu dịch triều cống, đương thời thường dùng lạc đà hay bò cừu để đổi lấy lương thực, trà, hay vật tư trọng yếu. Sau khi Tây Hạ giành được thắng lợi trong chiến tranh Tống-Hạ, theo điều khoản trong Khánh Lịch hòa nghị năm 1044, Tây Hạ mỗi năm có được từ Tống 5 vạn lạng bạc, 13 vạn thất lụa, 2 vạn cân trà; ngoài ra vào các ngày lễ tết mỗi năm còn có thể thu thêm được 2,2 vạn lạng bạc, 2,3 vạn thất lụa, 1 vạn cân trà. Từ thời Lý Kế Thiên, người Đảng Hạng bắt đầu triều cống cho Liêu, đến khi mất nước thì có tổng cộng cống cho Liêu được 24 lần. Tây Hạ còn dùng trà và tuế tệ của Tống để đổi lấy cừu của người Hồi Cốt hay Thổ Phồn, rồi bán lại cho Liêu, Tống hay Kim, thu được lợi nhuận. Mậu dịch triều cống thường bị gián đoạn bởi chiến tranh, mức độ ổn định không lớn.[45]

Mậu dịch 'các trường' tương đối quy mô mà lại ổn định, ở nơi biên cảnh giữa Tây Hạ với Tống, Liêu, Kim thì hai bên cho đặt 'các trường' dùng chung cho mục đích giao dịch biên mậu. Trên biên giới Hạ-Tống thì lập 'các trường' ở Bảo An quân (nay thuộc Chí Đan, Thiểm Tây), Trấn Nhung quân (nay thuộc Cố Nguyên, Ninh Hạ), Lân châu, Diên châu. Trên biên giới Hạ-Liêu, lập 'các trường' tại Thiên Đức phủ hay Vân Nội ở tây bắc Tây Kinh của Liêu, Ngân Úng Khẩu cùng Quá Yêu Đái và Thượng Thạch Lăng Pha ở tây bắc Vân Trung. Ở những nơi này có không gian ổn định cho hoạt động mậu dịch, có nha nhân đánh giá đẳng cấp của hàng hóa, được quan phủ hai bên trông coi, cùng quản lý thị trường và thu thuế. Vật nuôi, đồ đan len, thảo dược là những mặt hàng mậu dịch chính, ngoài "quan thị" thì các chủng loại thương phẩm có sự phong phú hơn.[45] Sau khi Kim diệt Bắc Tống, mậu dịch đối ngoại của Tây Hạ nằm trong tay của Kim, kinh tế Tây Hạ phụ thuộc vào Kim. Năm 1141, Kim đồng ý mở cửa 'các trường' tại Bảo An quân, Lan châu, Tuy Đức, Hoàn châu, Đông Thắng châu. Năm 1172, Kim Thế Tông lấy cớ đóng cửa 'các trường' Bảo An quân, Lan châu, Tuy Đức; cho rằng việc đổi tơ lụa lấy xa xỉ phẩm của Tây Hạ là không thích hợp. Điều này khiến cho hai bên có chiến sự không ngừng vào cuối thời Hạ Nhân Tông, 10 năm sau mới khôi phục mậu dịch bình thường. Cuối cùng là "thiết thị" (chợ ngầm) có số lượng lớn và phân tán, là thị trường phi chính thức và buôn lậu, như mậu dịch 'thanh diêm' lựa chọn phương thức này để đổi lấy lương thực của Tống.[45]

Do thương nghiệp Tây Hạ hưng thịnh, tiền tệ lưu thông cũng hết sức quan trọng: một loại là tiền do Tây Hạ đúc; còn có tiền đến từ Tống hay Kim. Tây Hạ đúc tiền ngay từ thời Hạ Cảnh Tông, các hoàng đế sau này chỉ trừ Hạ hiến Tông và Hạ Mạt Đế ra thì đều có cho đúc tiền, Hạ Nhân Tông và năm 1158 còn thiết lập 'Thông tế giám' để quản lý việc đúc tiền. Tiền tệ do Tây Hạ đúc phần lớn đều tốt đẹp, có thư pháp mềm mại thanh thoát. Hiện nay đã phát hiện được năm loại tiền tệ có Tây Hạ văn, phân biệt là "Phúc Thánh bảo tiền", "Đại An bảo tiền", "Trinh Quán bảo tiền", "Càn Hựu bảo tiền", "Thiên Khánh bảo tiền".[45]